Thắng lợi vinh quang của thể loại phim đàm thoại "talkies" Điện ảnh âm thanh

The Jazz Singer (1927)

Tháng 2 năm 1927, năm công ty studio điện ảnh hàng đầu của Hollywood cùng nhau đi đến ký kết một bản thoả thuận: Famous Players–Lasky (sắp sửa trở thành một phần của Paramount), Metro-Goldwyn-Mayer, Universal, First National, với một nhà sản xuất quy mô nhỏ nhưng khá có uy tín của Cecil B. DeMille, Producers Distributing Corporation (PDC). Năm hãng phim này đã đồng thuận với nhau để chọn ra một nhà cung cấp duy nhất cho toàn bộ quá trình chuyển đổi âm thanh. Sau đó chờ xem, rốt cục thì các nhà tiên phong trong lĩnh vực sẽ có phát kiến giải pháp ra làm sao.[55] Tới tháng 5, Warner Bros. bán lại các quyền hạn độc tôn của họ sang cho ERPI (cùng với giấy phép phụ bản Fox-Case) và ký kết một hợp đồng bản quyền mới, tương tự như của Fox để sử dụng công nghệ Western Electric. Fox và Warners vẫn tiếp tục phát triển điện ảnh âm thanh, nhưng họ lại có thiên hướng và cách tiếp cận khác nhau cả về công nghệ lẫn thương mại: Fox chuyên chú vào mảng phim thời sự và mảng phim truyền hình scored drama, trong khi Warners tập trung vào các bộ phim hội thoại dài tập. Cùng lúc này, ERPI tìm kiếm vị trí thống lĩnh thị trường qua việc ký kết với liên minh 5 hãng phim.[56]

Bích chương quảng bá từ một rạp hát được lắp đặt hoàn thiện ở Tacoma, Washington, quảng bá tác phẩm điện ảnh The Jazz Singer trên Vitaphone, kèm theo một đoạn bản tin Fox newsreel trên hệ thống Movietone, cả hai cùng trên một quảng cáo.

Những bộ phim điện ảnh âm thanh gây kinh thiên động địa trong năm đều tận dụng được danh tiếng nổi cồn từ trước đó. Ngày 20 tháng 5 năm 1927, tại nhà hát Roxy Theater của thành phố New York City, Fox Movietone đã trình chiếu một đoạn phim âm thanh về chuyến bay trứ danh của Charles Lindbergh cất cánh đến Paris, được quay phim không lâu cũng vào ngày hôm đó. Vào tháng 6, một đoạn bản tin có âm thanh của Fox mô tả màn chào đón sự trở lại của Charles tại thành phố New York City và Washington, D.C. cũng được phát. Đây là hai bộ phim có âm thanh được đánh giá cao nhất cho tới tận ngày nay.[57] Cũng vào tháng 5 năm đó, Fox đã phát hành bộ phim viễn tưởng Hollywood đầu tiên có lời thoại đồng bộ: tác phẩm phim ngắn They're Coming to Get Me, với sự tham gia của diễn viên hài Chic Sale.[58] Sau khi phát hành lại một số bộ phim câm ăn khách, chẳng hạn như Seventh Heaven, Fox đã cho ra mắt bộ phim Movietone nguyên bản đầu tiên vào ngày 23 tháng 9 có sử dụng âm nhạc thu âm: Sunrise: A Song of Two Humans của đạo diễn nổi tiếng người Đức F. W. Murnau. Cũng như với Don Juan, nhạc nền của bộ phim bao gồm một bản nhạc và các hiệu ứng âm thanh (trong đó bao gồm một số cảnh đám đông, cảnh quay "hoang dã", và các màn ca hát không cụ thể).[59]

Sau đó, vào ngày 6 tháng 10 năm 1927, tác phẩm The Jazz Singer của Warner Bros. được cho ra mắt. Đây là một thành công vang dội về doanh thu phòng vé đối với một hãng phim tầm trung, thu về tổng cộng 2.625 triệu USD ở Hoa Kỳ và nước ngoài, nhiều hơn gần một triệu USD so với kỷ lục trước đó, cũng của một bộ phim từ Warner Bros..[60] Được sản xuất bằng hệ thống Vitaphone, bộ phim hầu như là không chứa đựng âm thanh thu âm trực tiếp; mà cũng giống như bộ phim Sunrise và Don Juan, chỉ bao gồm các đoạn nhạc phẩm và hiệu ứng âm thanh. Tuy nhiên, khi ngôi sao của bộ phim, Al Jolson, bắt đầu cất tiếng hát ca, âm thanh của bộ phim chuyển sang bản thu thanh được ghi trên trường quay, bao gồm cả màn thể hiện âm nhạc của Jolson và hai cảnh quay có bài phát biểu ad-lib—một trong số những nhân vật của Jolson, Jakie Rabinowitz (Jack Robin), nói chuyện cho khán giả cabaret nghe; một cuộc trao đổi khác giữa ông và mẹ mình. Âm thanh "tự nhiên" của phần chỉnh sửa hậu kỳ cũng có thể được nghe thấy.[61] Mặc dầu thành công của The Jazz Singer phần lớn là dựa vào Jolson, một ca sĩ đã có tiếng tăm ảnh hưởng sâu rộng trong giới khán giả Hoa Kỳ lúc đó, cùng với việc hạn chế sử dụng âm thanh đồng bộ, hầu như là không đạt tiêu chuẩn để xếp tác phẩm vào loại phim có âm thanh tân tiến (chứ đừng nói là "đầu tiên"), doanh thu khổng lồ của bộ phim đã là một minh chứng đủ đầy, cho thấy công nghệ âm thanh điện ảnh là một lĩnh vực xứng đáng đầu tư và kỳ vọng.[62]

Sự phát triển của điện ảnh âm thanh thương mại đã diễn ra một cách phù hợp và khởi sinh từ trước The Jazz Singer, tuy nhiên, thành công của bộ phim cũng chẳng thay đổi mọi thứ chỉ sau một đêm. Phản ứng của Louella Parsons, tác giả chuyên mục tin đồn cho báo chí có ảnh hưởng tầm cỡ, đối với The Jazz Singer là không mấy tích cực: "Tôi chẳng lo sợ rằng bộ phim có âm thanh réo rít ấy sẽ gây phiền toái cho các rạp chiếu phim của chúng ta,"; trong khi giám đốc sản xuất của MGM, Irving Thalberg, đã gọi bộ phim là "một mánh lới quảng cáo hay ho, nhưng vị tất cũng chỉ thế thôi.".[63] Mãi cho đến tháng 5 năm 1928, tập hợp bốn hãng phim lớn (PDC đã rút chân ra khỏi liên minh), cùng với United Artists và các studio khác, mới ký kết với ERPI để thực hiện việc chuyển biến các cơ sở sản xuất và rạp chiếu phim, mở đường cho điện ảnh âm thanh. Đây là một cam kết rất khó khăn; chỉ riêng việc tân trang lại một rạp chiếu phim đã đội chi phí lên tới 15.000 USD (tương đương với 220.000 USD tại niên 2019) và có đến hơn 20.000 rạp chiếu phim ở Hoa Kỳ. Tính đến năm 1930, mới chỉ có một nửa số rạp hát trong đó được kết nối âm thanh.[63]

Ban đầu, tất cả các rạp có gắn hệ thống ERPI đều tương thích với Vitaphone; hầu hết đều được trang bị để chiếu các cuộn phim Movietone.[64] Tuy nhiên, ngay cả khi tiếp cận được cả hai công nghệ, hầu hết các công ty Hollywood vẫn còn trì trệ trong việc sản xuất các bộ phim âm thanh của riêng họ. Không có một hãng phim nào ngoài Warner Bros. từng phát hành phim âm thanh, kể cả là chỉ có một phân đoạn hội thoại ngắn, cho tới khi bộ phim The Perfect Crime kinh phí thấp của Film Booking Offices of America (FBO) được ra mắt ngày 17 tháng 6 năm 1928, tám tháng sau màn công chiếu The Jazz Singer.[65] FBO đã nằm dưới sự kiểm soát hiệu quả của một đối thủ cạnh tranh với Western Electric, phân nhánh RCA của General Electric, một công ty đang tìm kiếm tiếp thị hệ thống ghi âm trên phim của họ, Photophone. Không giống như Movietone của Fox-Case và Phonofilm của De Forest, những hệ thống có mật độ biến thiên, Photophone là một hệ thống có tiết diện biến thiên—một sự tinh chỉnh về cách mà tín hiệu âm thanh được khắc ghi lên cuộn phim, mà về sau sẽ trở thành tiêu chuẩn mới cho công nghệ thu âm. (Trong cả hai loại hệ thống này, một chiếc đèn được thiết kế đặc biệt với độ phơi sáng của tấm phim được chỉ định bởi đầu vào âm thanh, ghi lại âm thanh dưới dạng hình ảnh theo một loại các vạch li ti cực nhỏ. Đối với quy trình có mật độ biến thiên, các vạch có độ sáng tối khác nhau; Đối với quy trình có tiết diện biến thiên, các vạch có độ rộng khác nhau.). Đến tháng 10, liên minh FBO-RCA cùng nhau sáng lập nên hãng phim hùng cường tối tân nhất Hollywood, RKO Pictures.

Dorothy MackaillMilton Sills trong tác phầm The Barker, bộ phim hội thoại talkie khai mạc đầu tiên của First National. Bộ phim được phát hành vào tháng 12 năm 1928, hai tháng sau khi Warner Bros. giành được quyền kiểm soát hãng phim.

Trong khi đó, Warner Bros. đã phát hành thêm ba bộ phim hội thoại đều lời lãi, nếu như không muốn nói là ngang ngửa với The Jazz Singer: Vào tháng 3, Tenderloin cũng góp mặt xuất hiện; bộ phim được Warners quảng cáo là phim truyện dài tập đầu tiên có diễn viên tự mình nói chuyện trong các phân cảnh của họ. Dẫu vậy chỉ có 15 trong tổng số 88 phút phim truyện là các đoạn hội thoại. Glorious Betsy kế tục theo sau vào tháng tư, The Lion and the Mouse (31 phút hội thoại) vào tháng 5.[66] Ngày 6 tháng 7 năm 1928, bộ phim hội thoại hoàn toàn đầu tiên, Lights of New York, được công chiếu. Tác phẩm dày công này tốn hết $23.000 để sản xuất nhưng đã thu về con số khủng $1.252.000, tỷ suất lợi nhuận đạt kỷ lục vượt ngưỡng 5.000%. Vào tháng 9, studio hãng phim phát hành thêm một bộ phim khác, có một phần hội thoại của Al Jolson, The Singing Fool, tăng hơn gấp đôi kỷ lục lợi nhuận từ The Jazz Singer cho một bộ phim của Warner Bros..[67] Cú đột phá thứ hai này của Jolson trên màn ảnh đã chứng tỏ năng lực của âm nhạc điện ảnh trong việc biến một bài hát thành một hiện tượng quốc gia: chỉ trong vòng chín tháng, số lượng kinh doanh bán ra của "Sonny Boy" bởi Jolson đã đạt 2 triệu bản thu âm cùng với 1,25 triệu bản phổ nhạc.[68] Tháng 9 năm 1928 cũng chứng kiến sự ra mắt của Dinner Time bởi Paul Terry, một trong những bộ phim hoạt hình đầu tiên được sản xuất với âm thanh đồng bộ. Ngay sau khi thưởng lãm tác phẩm, Walt Disney đã cho phát hành bộ phim điện ảnh đầu tiên của mình, phim ngắn Steamboat Willie có nhân vật Chuột Mickey.[69]

Trong suốt năm 1928, khi Warner Bros. bắt đầu thu được lợi nhuận khổng lồ nhờ sự hoan nghênh đông đảo cho các bộ phim âm thanh của hãng, các hãng phim khác nhanh chóng tiếp thu, chuyển đổi sang công nghệ mới. Paramount, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệp này, tung ra bộ phim hội thoại "talkie" đầu tiên của mình vào cuối tháng 9, Beggars of Life; mặc dù chỉ có vài câu thoại nhưng nó bày tỏ sự công nhận từ hãng phim đối với tiềm lực của phương tiện mới mẻ này. Interference, bộ phim toàn hội thoại đầu tiên của Paramount, công chiếu ra mắt vào tháng 11.[70] Tại Hoa Kỳ, quá trình này được gọi là "goat glanding", chỉ trong một thời gian ngắn trở nên quảng thông rộng rãi: các bản soundtrack trong phim, thỉnh thoảng kèm theo một câu thoại được dub vào, hoặc có thể là một bài hát, được thêm vào các bộ phim đã quay, và trong một vài trường hợp còn phát hành dưới dạng phim câm.[71] Chỉ cần có vài phút ca hát, một bộ phim mới đã được người ta ưu ái như thể là một "bộ phim âm nhạc thứ thiệt". (Dream Street của Griffith về cơ bản là một bộ phim "goat glanding" như vậy). Thế nhưng mọi kỳ vọng đều nhanh chóng đổi thay, "Mốt" âm thanh thời thượng của năm 1927 đã trở thành quy chuẩn cho tất cả các bộ phim vào năm 1929. Tháng 2 năm 1929, mười sáu tháng kể từ khi The Jazz Singer ra mắt, Columbia Pictures trở thành hãng phim cuối cùng trong số tám studio làm phim được xem là "chuyên chính" trong thời kỳ hoàng kim Golden Age của Hollywood phát hành phim truyện hội thoại tiểu phần của họ, The Lone Wolf's Daughter.[72] Cuối tháng 5 cùng năm, phim truyện toàn hội thoại cũng như toàn màu đầu tiên, On with the Show!, của Warner Bros được khởi chiếu.[73]

Tuy nhiên, hầu hết các rạp chiếu phim ở Mỹ, đặc biệt là ngoài khu vực đô thị, vẫn chưa được trang bị âm thanh: trong khi số lượng rạp chiếu phim có âm thanh gia tăng từ 100 lên 800 trong khoảng thời gian từ 1928 đến 1929, chúng vẫn bị áp đảo rất nhiều bởi các rạp chiếu phim câm, vốn thực sự cũng đã gia tăng về số lượng tương ứng, từ 22.204 lên 22.544.[74] Cùng với thực trạng đó, các studio làm phim vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục về sức hấp dẫn đại chúng của phim nói—mãi cho tới giữa năm 1930, đại đa số các bộ phim Hollywood được sản xuất làm phiên bản kép, phim câm cũng như phim hội thoại talkie.[75] Mặc dù chỉ có rất ít người trong ngành dự đoán được điều này, nhưng phim câm, dưới tư cách là một phương tiện thương mại khả dĩ tại Mỹ, sẽ sớm chỉ còn là ký ức. Points West, một bộ phim Hoot Gibson viễn Tây do Universal Pictures phát hành vào tháng 8 năm 1929, là bộ phim câm chính thống cuối cùng do một studio hãng phim lớn của Hollywood sản xuất.[76]

Chuyển giao công nghệ: Châu Âu

The Jazz Singer có buổi ra mắt điện ảnh âm thanh Châu Âu tại nhà hát Piccadilly ở London vào ngày 27 tháng 9 năm 1928.[77] Theo nhà sử học điện ảnh Rachael Low, "Nhiều người trong ngành ngay lập tức nhận ra rằng, việc thay đổi sản xuất sang hình thức âm thanh là điều không thể tránh khỏi.".[78] Ngày 16 tháng 1 năm 1929, bộ phim châu Âu đầu tiên với một màn trình diễn giọng hát đồng bộ cũng như bản thu thanh đã được khởi chiếu ra mắt: Ich küsse Ihre Hand, Madame (Tôi hôn lên tay nàng, thưa Madame), một bộ phim của Đức không có lời thoại cũng như chỉ bao gồm một số bài hát do Richard Tauber trình bày.[79] Thước phim được làm ra bởi hệ thống ghi âm trên phim, kiểm soát bởi công ty liên doanh Đức-Hà Lan, Tobis, những doanh nghiệp kế thừa từ Tri-Ergon. Với mục tiêu dẫn đầu thị trường điện ảnh âm thanh mới nổi ở Châu Âu, Tobis đã ký kết hợp tác với đối thủ cạnh tranh của chính nó, Klangfilm, một công ty con liên hiệp của hai nhà sản xuất điện lực hàng đầu nước Đức. Đầu năm 1929, Tobis và Klangfilm bắt đầu đồng hợp tác tiếp thị các công nghệ thâu âm và phát lại của họ. Khi ERPI bắt đầu tích hợp âm thanh cho các rạp chiếu bóng trên khắp châu Âu, Tobis-Klangfilm tuyên bố rằng, hệ thống Western Electric đã vi phạm bản quyền sáng chế của Tri-Ergon, gây cản trở việc thiết lập công nghệ của Mỹ ở nhiều nơi.[80] Y chang như RCA khi họ bước vào lĩnh vực kinh doanh điện ảnh để tối đa hoá giá trị của hệ thống thâu âm, Tobis cũng tự thành lập các hoạt động sản xuất của riêng mình.[81]

Trong năm 1929, hầu hết các quốc gia làm phim lớn ở châu Âu bắt đầu tham gia cùng Hollywood trong quá trình chuyển đổi sang âm thanh. Nhiều bộ phim hội thoại talkie tạo trend được quay tại nước ngoài khi các công ty sản xuất thuê lại nhiều studio làm phim, trong khi studio của chính họ lại đang thực hiện việc chuyển đổi. Hoặc là họ cố tình nhằm mục tiêu vào các thị trường ngôn ngữ khác. Một trong hai bộ phim hội thoại kịch tính dài tập đầu tiên của Châu Âu đã được tạo ra nhưng vẫn theo một đường lối khác trong giới làm phim đa quốc gia: The Crimson Circle là sản phẩm đồng sản xuất giữa công ty Efzet-Film của đạo diễn Friedrich Zelnik và British Sound Film Productions (BSFP). Năm 1928, bộ phim phát hành dưới dạng phim câm với tên gọi Der Rote Kreis tại Đức, nơi bộ phim được quay; Đoạn hội thoại bằng tiếng Anh dường như đã được lồng tiếng rất lâu sau, sử dụng quy trình Phonofilm của De Forest do công ty mẹ của BSFP kiểm soát. Nó được chiếu thương mại tại Anh Quốc vào tháng 3 năm 1929, cũng như một bộ phim hội thoại tiểu phần được sản xuất hoàn toàn tại Vương quốc Anh: The Clue of the New Pin, một sản phẩm của British Lion sử dụng hệ thống ghi âm trên đĩa Photophone của Anh. Vào tháng 5, Black Waters, bộ phim mà British and Dominions Film Corporation quảng bá là tác phẩm điện ảnh toàn hội thoại đầu tiên của Anh Quốc, đã được chấp thuận công chiếu thương mại lần đầu tiên; nó được quay hoàn toàn ở Hollywood bằng hệ thống thâu âm trên phim của Western Electric. Không có tác phẩm nào trong số này gây được nhiều ảnh hưởng.[82]

Ngôi sao điện ảnh lớn lên tại Praha của bộ phim Blackmail (1929), Anny Ondra, là một đứa con cưng của ngành công nghiệp, tuy nhiên giọng nói nặng tiếng địa phương của cô đã trở thành một vấn đề khi bộ phim được quay lại với âm thanh. Không có năng lực lồng tiếng hậu kỳ dubbing, đoạn hội thoại của cô đã được thu âm ngoài màn ảnh cùng lúc đó bởi nữ diễn viên Joan Barry. Sự nghiệp điện ảnh Anh Quốc của Ondra trở nên lụi tàn.[83]

Bộ phim drama thành công đầu tiên ở châu Âu là Blackmail, sản xuất hoàn toàn bởi Anh Quốc. Được đạo diễn bởi Alfred Hitchcock, lúc đó 29 tuổi, bộ phim ra mắt ở London vào ngày 21 tháng 6 năm 1929. Ban đầu chỉ được quay dưới dạng phim câm, Blackmail được dàn dựng lại để bao gồm thêm các đoạn hội thoại, cùng với nhạc tấu và hiệu ứng âm thanh trước khi khởi chiếu. Là sản phẩm của British International Pictures (BIP), nó được thâu âm bằng hệ thống Photophone của RCA, General Electric đã mua lại một phần của AEG để họ có thể tiếp cận thị trường Tobis-Klangfilm. Blackmail là một tác phẩm thành công vang dội; Phản hồi của giới phê bình cũng tích cực—chẳng hạn như Hugh Castle, một người khét tiếng là nghiêm khắc, đã gọi bộ phim là "có chăng là sự kết hợp thông minh nhất giữa âm thanh và yên lặng mà chúng ta từng thấy".[84]

Ngày 23 tháng 8, ngành công nghiệp điện ảnh với quy mô khiêm tốn của Áo đã cho ra mắt một bộ phim hội thoại: G'schichten aus der Steiermark (Chuyện kể từ xứ Styria), một sản phẩm của Eagle Film–Ottoton Film.[85] Ngày 30 tháng 9, phim truyện drama dài tập hội thoại đầu tiên do Đức sản xuất, Das Land ohne Frauen (Đất không phụ nữ), đã được công chiếu. Một sản phẩm của Tobis Filmkunst, trong đó có tới khoảng một phần tư bộ phim là có đoạn hội thoại, được tách biệt hoàn toàn với các hiệu ứng đặc biệt và âm nhạc. Phản hồi về bộ phim là đáng thất vọng.[86] Bộ phim hội thoại đầu tiên của Thuỵ Điển, Konstgjorda Svensson (Svensson nhân tạo), khai trương vào ngày 14 tháng 10. Tám ngày sau đó, Aubert Franco-Film đã cho ra mắt bộ phim Le Collier de la reine (Vòng cổ của nữ hoàng), quay tại trường quay Épinay gần Paris. Được dàn dựng như một bộ phim câm, tác phẩm được cung ứng bởi một khúc nhạc phổ do Tobis thâu âm lại cùng với một đoạn nói chuyện duy nhất—phân cảnh đối thoại đầu tiên trong một bộ phim điện ảnh Pháp. Ngày 31 tháng 10, Les Trois masques (Ba chiếc mặt nạ) được ra mắt; là một phim phẩm của Pathé-Natan, nó được công chúng đón nhận như là phim truyện đầu tiên của nước Pháp, mặc dù được ghi hình, cũng như Blackmail, tại trường quay Elstree, ngay ngoại ô London. Công ty sản xuất đã ký hợp đồng với RCA Photophone và Anh Quốc, khi ấy có cơ sở gần nhất sở hữu hệ thống này. Bộ phim hội thoại talkie La Route est belle (Con đường này vẫn ổn), cũng được quay tại Elstree, chỉ sau đó một vài tuần.[87]

Trước khi các hãng phim ở Paris được trang bị đầy đủ âm thanh—một quá trình kéo dài cho đến tận năm 1930—một số bộ phim nói đầu tiên của Pháp đã được quay tại Đức.[88] Phim hội thoại tiếng Đức đầu tiên, Atlantik, đã được công chiếu ở Berlin vào ngày 28 tháng 10. Lại là một bộ phim khác do Elstree sản xuất, nó ít mang chất Đức hơn so với Les Trois masques và La Route est belle là những tác phẩm của Pháp; là sản phẩm do BIP cùng với kịch bản gia người Anh và đạo diễn người Đức làm ra, nó cũng được quay bằng tiếng Anh qua tên gọi Atlantic.[89] Bộ phim do Aafa-Film sản xuất hoàn toàn của Đức, It's You I Have Loved (Dich hab ich geliebt) khởi chiếu ba tuần rưỡi sau đó. Đây không phải là "bộ phim nói đầu tiên của Đức", như cách tiếp thị đã mô tả, thế nhưng đây lại là bộ phim đầu tiên được phát hành tại Hoa Kỳ.[90]

Bộ phim hội thoại Liên Xô đầu tiên, Putevka v zhizn (Đường tới sự sống; 1931), đặt lên vấn đề về những người vô gia cư trẻ tuổi. Như Marcel Carné nói rằng, "trong những hình ảnh khó quên của câu chuyện giản dị và trong sáng này, chúng ta có thể thấy rõ sự nỗ lực của cả một dân tộc."[91]

Năm 1930, bộ phim điện ảnh âm thanh đầu tiên của Ba Lan được ra mắt, sử dụng hệ thống âm thanh thu âm trên đĩa: Moralność pani Dulskiej (Đạo đức của bà Dulska) vào tháng 3 và Niebezpieczny romans (Cuộc tình ái nguy hiểm) vào tháng 10.[92] Tại Ý, nơi mà ngành công nghiệp điện ảnh sôi động một thời đã trở nên suy yếu vào cuối những năm 1920, bộ phim nói đầu tiên, La Canzone dell'amore (Bài hát tình yêu), cũng được ra mắt vào tháng 10; và chỉ trong vòng hai năm nữa, điện ảnh Ý sẽ tái hồi sinh.[93] Bộ phim đầu tiên bằng tiếng Séc cũng được ra mắt vào năm 1930, Tonka Šibenice (Tonka của những chiếc giá treo cổ).[94] Một số quốc gia châu Âu có vị trí thứ yếu trong lĩnh vực này cũng phát hành những bộ phim điện ảnh âm thanh đầu tiên của họ—Bỉ (bằng tiếng Pháp), Đan Mạch, Hy Lạp và Romania.[95] Ngành công nghiệp điện ảnh phát triển mạnh mẽ của Liên Xô ra đời với những tác phẩm âm thanh đầu tiên vào tháng 12 năm 1930: bộ phim Sự nhiệt tình phi hư cấu của Dziga Vertov có nhạc nền mang tính chất thử nghiệm cũng như không có lời thoại; Phim tài liệu Plan velikikh rabot (Kế hoạch của những tuyệt tác) của Abram Room có nhạc và lời thuyết minh.[96] Cả hai đều được sản xuất bằng hệ thống thu thanh trên phim, được phát triển tại địa bàn, hai trong số khoảng hai trăm hệ thống âm thanh điện ảnh có mặt ở đâu đó trên thế giới.[97] Vào tháng 6 năm 1931, bộ phim truyền hình của tác giả Nikolai Ekk, Putevka v zhizn (Đường đến sự sống hay Khởi đầu cuộc sống), được công chiếu là bộ phim hội thoại chân thực đầu tiên của Liên Xô.[98]Trên khắp châu Âu, việc chuyển đổi các địa điểm công chiếu vẫn còn bị thụt lùi so với năng lực sản xuất, đòi hỏi các bộ phim hội thoại phải được sản xuất về phiên bản phim câm để trình chiếu song song. Hoặc đơn giản là vẫn trình chiếu mà không có âm thanh ở nhiều nơi. Trong khi tốc độ chuyển biến diễn ra tương đối nhanh chóng ở Anh Quốc—với hơn 60% rạp chiếu được trang bị công nghệ âm thanh vào cuối năm 1930, tương đồng với số liệu tại Mỹ—trái lại thì ở Pháp, hơn một nửa số rạp trên toàn quốc vẫn đang phải chiếu phim trong sự câm lặng vào cuối năm 1932.[99] Theo nhà học giả Colin G. Crisp, "Sự lo toan về việc hồi sinh dòng phim câm thường được thể hiện trên báo chí công nghiệp [Pháp], cũng như một bộ phận đa số trong ngành vẫn xem phim câm là một triển vọng thương mại và nghệ thuật khả thi cho tới khoảng năm 1935.".[100] Tình hình này còn đặc biệt gay gắt hơn ở Liên Xô; Tính đến tháng 5 năm 1933, cứ một trăm máy chiếu phim trong nước thì có chưa đến một máy được trang bị âm thanh.[101]

Chuyển giao công nghệ: Châu Á

Tác phẩm Madamu to nyobo của đạo diễn Heinosuke Gosho (Vợ láng giềng với vợ tôi; 1931), một sản phẩm của studio phim Shochiku, là thành công vang dội đầu tiên về thương mại cũng như trong giới phê bình của điện ảnh âm thanh Nhật Bản.[102]

Trong những thập niên 1920 và 1930, Nhật Bản là một trong hai quốc gia sản xuất phim ảnh lớn nhất thế giới, tương ứng với Hoa Kỳ. Mặc dù ngành công nghiệp điện ảnh của Nhật là một trong những lãnh địa đầu tiên sản xuất cả điện ảnh âm thanh lẫn điện ảnh hội thoại, thế nhưng quá trình chuyển biến hoàn toàn sang âm thanh lại tiến hành chậm hơn nhiều so với các nước phương Tây. Có vẻ như bộ phim âm thanh đầu tiên của Nhật Bản, Reimai (Bình minh), được thực hiện vào năm 1926 bởi hệ thống Phonofilm của De Forest.[103] Sử dụng hệ thống thâu âm trên đĩa Minatoki, hãng phim tiên phong Nikkatsu đã cho sản xuất bộ đôi tác phẩm điện ảnh hội thoại năm 1929: Taii no Musume (Con Gái của Thuyền Trưởng) và Furusato (Quê hương), trong đó bộ phim thứ hai là do Kenji Mizoguchi đạo diễn. Hãng phim đối thủ, Shochiku, cũng bắt đầu ra mắt thành công bộ phim nói sử dụng công nghệ ghi âm trên phim năm 1931, ứng dụng một quy trình có mật độ biến thiên được gọi là Tsuchibashi.[104] Tuy nhiên, hai năm sau đó, có tới hơn 80% bộ phim sản xuất trong nội địa vẫn là phim câm.[105] Hai trong số những đạo diễn hàng đầu của Nhật, Mikio NaruseYasujirō Ozu, đã không thực hiện bộ phim điện ảnh âm thanh đầu tiên của họ cho đến tận năm 1935 và 1936 một cách tương ứng.[106] Cuối năm 1938, hơn một phần ba tổng số phim ảnh sản xuất tại Nhật Bản được quay không có lời thoại.[105]

Sự phổ dụng trường tồn của điện ảnh chiếu bóng câm tại Nhật Bản phần lớn nhờ vào truyền thống benshi, một loại nghề thuyết minh đệm, bổ trợ cho buổi chiếu phim. Như đạo diễn Akira Kurosawa sau này đã mô tả, benshi "không chỉ kể lại cốt truyện của bộ phim mà thôi, họ còn nâng cao tình tiết cảm xúc qua việc thể hiện giọng nói ngữ điệu cũng như hiệu ứng âm thanh và cung cấp biểu đạt gợi tưởng về các sự kiện và hình ảnh diễn ra trên màn hình.... Những anh tài thuyết minh danh tiếng nhất đều là những ngôi sao có tiếng tăm, chịu trách nhiệm bảo trợ cho một rạp hát cụ thể nào đó.".[107] Nhà sử học điện ảnh Mariann Lewinsky lập luận,

Sự lụi tàn của phim câm ở phương Tây và Nhật Bản là do ngành công nghiệp và thị trường áp đặt, chứ không phải bởi bất kỳ nhu cầu nội tại hay tiến hóa tự nhiên nào.... Điện ảnh câm là một hình thức mang lại khoái cảm hưng mãn và đã hoàn toàn trưởng thành. Nó không thiếu bất cứ thứ gì cả, ít nhất là tại Nhật Bản, nơi vẫn từng luôn có tiếng nói con người thực hiện phân cảnh lời thoại và bình luận. Điện ảnh âm thanh không phải là tốt hơn, mà chỉ tiết kiệm hơn. Làm ông chủ của một rạp chiếu bóng, bạn không còn phải trả lương bổng cho nhạc công và benshi nữa. Và một nghệ nhân benshi giỏi là một ngôi sao đòi hỏi thù lao ngôi sao.[108]

Tương tự như vậy, sức tồn tại của hệ thống benshi đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xúc tiến chuyển đổi dần dần sang âm thanh—cho phép các studio làm phim dàn trải chi phí vốn liếng cho việc chuyển đổi, cộng thêm việc giám đốc cũng như đội ngũ kỹ thuật của họ có thời gian để làm quen với công nghệ mới.[109]

Alam Ara khởi chiếu ngày 14 tháng 3 năm 1931 tại Bombay. Bộ phim hội thoại Ấn Độ đầu tiên đã đạt thành công danh tiếng tới mức "lực lượng cảnh sát hỗ trợ đã được điều động để kiểm soát những đám đông."[110]. Tác phẩm được quay bởi hệ thống camera đơn Tanar, thu lại âm thanh một cách trực tiếp lên cuộn phim.

Tác phẩm điện ảnh tiếng Quan Thoại Gēnǚ hóng mǔdān (, Ca nữ hồng mẫu đan), với sự tham gia của Butterfly Wu, ra mắt dưới dạng phim truyện hội thoại đầu tiên của Trung Quốc năm 1930. Đến tháng 2 cùng năm, quá trình sản xuất dường như đã hoàn thành đối với phiên bản âm thanh cho tác phẩm Sân chơi của quỷ, được cho là mang đủ những điều kiện để trở thành bộ phim điện ảnh hội thoại đầu tiên của Úc; tuy nhiên, buổi công chiếu báo chí tháng 5 của tác phẩm đoạt giải Cuộc thi Điện ảnh Khối thịnh vượng chung (Commonwealth Film Contest), bộ phim Fellers, là cuộc triển lãm công khai đầu tiên có thể kiểm chứng được đối với một bộ phim nói của Úc.[111] Tháng 9 năm 1930, một bài hát do ngôi sao Ấn Độ, Sulochana, thể hiện, trích xuất từ bộ phim câm Madhuri (1928), được ấn hành dưới dạng phim ngắn có âm thanh đồng bộ, tác phẩm đầu tiên của quốc gia.[112] Năm sau đó, Ardeshir Irani đạo diễn phim truyện hội thoại Ấn Độ đầu tiên bằng tiếng Hindi-Urdu, Alam Ara, đồng thời sản xuất nên tác phẩm Kalidas, chủ yếu bằng tiếng Tamil với một chút tiếng Telugu. Năm 1931 cũng đã chứng kiến sự ra đời của bộ phim nói đầu tiên bằng tiếng Bengali, Jamai Sasthi, và bộ phim hội thoại hoàn toàn bằng tiếng Telugu đầu tiên, Bhakta Prahlada.[113][114] Năm 1932, Ayodhyecha Raja trở thành bộ phim đầu tiên sử dụng ngôn ngữ Marathi, được cho là sẽ phát hành (mặc dù Sant Tukaram là tác phẩm đầu tiên trải qua quá trình kiểm duyệt chính thức); bộ phim nói tiếng Gujarat đầu tiên, Narsimha Mehta, và bộ đàm thoại hoàn toàn bằng tiếng Tamil, Kalava, cũng được khởi chiếu. Năm tiếp theo, Ardeshir Irani sản xuất phim truyện hội thoại bằng tiếng Ba Tư đầu tiên, Dukhtar-e-loor.[115] Cũng trong năm 1933, những bộ phim dùng tiếng Quảng Đông đầu tiên được sản xuất tại Hồng Kông— Sha zai dongfang (Đêm tân hôn của gã ngốc) và Liang xing (Lương tâm); trong vòng hai năm, ngành công nghiệp điện ảnh địa phương đã chuyển đổi hoàn toàn sang định dạng âm thanh.[116]Hàn Quốc, nơi mà pyonsa (hoặc byun-sa) giữ vai trò và địa vị tương tự như benshi của Nhật Bản[117], từ năm 1935 đã trở thành quốc gia cuối cùng có ngành công nghiệp điện ảnh hùng mạnh sản xuất nên bộ phim nói đầu tiên: Chunhyangjeon (春香傳/춘향전), dựa trên truyện kể dân gian pansori thế kỷ thứ 17 mang tựa đề "Chunhyangga", theo đó có tới 15 phiên bản điện ảnh đã được thực hiện cho đến thời điểm năm 2009[118].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Điện ảnh âm thanh http://www.aqpl43.dsl.pipex.com/MUSEUM/COMMS/auxet... https://web.archive.org/web/20100918210354/http://... https://jolsonville.net/2013/09/10/the-first-talki... http://www.filmsound.org/ulano/talkies2.htm http://www.angelfire.com/nc3/talkingmachines/auxet... https://web.archive.org/web/20110707031053/http://... http://www.finland.cn/Public/default.aspx?contenti... http://www.filmsoundsweden.se/backspegel/tigersted... https://books.google.com/books?id=e0NYYHWtz6sC&q=l... https://web.archive.org/web/20190207015725/https:/...